Nữ Gs Marcia Narine Weldon mới đây có bài viết với tựa đề là “Sex, Lies, and M&A- Part II” trên Business Law Prof Blog, diễn đàn lớn nhất dành cho giảng viên môn luật kinh doanh của Mỹ. Cô viết về #MeToo/Weinstein clauses trong hợp đồng M&A. Điều khoản này được sử dụng nhiều sau vụ scandal liên quan đến Harvey Weinstein và gắn với phong trào #MeToo, được bên mua sử dụng để yêu cầu bên bán/target company đưa ra các cam đoan & bảo đảm (R&W) về sự tồn tại của các cáo buộc và bê bối tình dục liên quan đến người quản lý của công ty mục tiêu. Cô Weldon dùng các mẫu điều khoản này từ các hợp đồng M&A được công khai trên cổng công bố thông tin của Ủy Ban Chứng Khoán Mỹ (SEC) để giảng dạy cho sinh viên. Như đã từng giới thiệu trên trang này, yêu cầu rộng và chặt về công bố thông tin kết hợp với sự hiện đại của EDGAR mà giới hành nghề và nghiên cứu có một nguồn phong phú để tìm hiểu, phân tích thực tiễn và thông lệ M&A nói riêng và pháp luật kinh doanh nói chung.
Dạy luật ở ta thường bị chê là không gắn với nhu cầu của thực tiễn. Thôi thì mọi người tự đánh giá của riêng mình. Ngữ vẫn luôn cảm kích kiến thức nền tảng đã được học ở trường luật ngày trước. Ngữ nhận ra rằng dù ở đâu tự học vẫn là quan trọng nhất. Người học phải nắm bắt nhu cầu của công việc và quyết tâm tự học thì mới vượt thoát lên được chứ không thể chỉ trông chờ giảng viên, dù rằng họ đóng vai trò rất quan trọng. Còn muốn thúc đẩy giảng dạy, nghiên cứu gắn với thực tiễn thì trước hết phải tăng cường (về luật và cả kỹ thuật) hoạt động công bố thông tin, bao gồm hợp đồng quan trọng mà cty đại chúng ký kết và bản án của tòa án theo hướng nhanh, đầy đủ và dễ tiếp cận. Như nhiều thứ khác, hoạt động này ở ta xuất phát từ đòi hỏi bên ngoài vào (nhất là từ các tổ chức quốc tế thông qua quá trình thương lượng hiệp định đầu tư, thương mại và các gói tài trợ) chứ không phải là yêu cầu mạnh mẽ từ bên trong. Có lẽ, muốn có thì phải đòi chứ im lặng ngồi chờ thì biết đến bao lâu.
Trong tuần qua chắc mọi người cũng theo dõi các buổi chất vấn (hearings) mà Ủy ban Tư pháp (Judiciary Committee) dành cho Thẩm phán Amy Coney Barrett. Buổi thứ 2 có chứa đựng nhiều bài học căn bản về luật pháp và sự độc lập của tòa án mà có lẽ sinh viên luật nào cũng nên xem (link này có dẫn đến transcript và video nên rất dễ theo dõi). Đọc toàn văn báo cáo của American Bar Association, ta sẽ thấy ngoài đánh giá năng lực chuyên môn (professional competence) còn là về sự liêm chính (integrity) và thái độ/tính khí nghề nghiệp (judicial temperament), trong lời đánh giá là những từ như “honest and forthright”, “decent, selfless and sincere”, “kind, caring, and compassionate”, “good listener”….
Cô Weldon tốt nghiệp Harvard và hình như là gốc Cuba. Thẩm phán Barrett “lặn lội thân cò” với 7 đứa con. Như cố Thẩm phán Ginsburg, họ đều là phụ nữ, đều cống hiến cho xã hội, tranh đấu cho điều mình tin tưởng là đúng đắn, là tiến bộ và cân bằng ước vọng nghề nghiệp và hạnh phúc đích thực của bản thân và người xung quanh. Có lẽ họ đã sớm nhận ra rằng nghề luật khác biệt nhiều với nhiều nghề khác và đòi hỏi mình phải có sự chín chắn, trầm tĩnh và sâu sắc. Muốn vậy họ có lẽ họ đã hướng vào nội tâm của mình nhiều hơn là những xôn xao bên ngoài. Họ tìm đọc những cuốn sách như “Muôn Kiếp Nhân Sinh”, “Minh Triết Trong Đời Sống”, “Hiểu Về Trái Tim”…vì họ biết tri thức mát lành ấy sẽ giúp họ đẹp dần từ bên trong. Họ tập yoga và thiền định vì họ biết hoa đẹp mà cành mỏng manh cũng sớm nở tối tàn. Họ tin rằng những bài viết, nghiên cứu, phân tích luật hoặc vấn đề xã hội của mình mới chính là hương thơm kết tinh từ sự nghiêm túc trong chuyên môn của họ.
Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam sắp đến xin tặng mấy bức hình và bài thơ này cho vợ, các chị, các bạn và các em. Biết đâu trong nhiều sinh viên luật là bạn đọc của trang này sẽ là nữ thẩm phán, giảng viên, luật sư, chính trị gia có tâm lẫn có tầm, như hoa sen vẫn luôn vươn lên nở thắm từ bùn sâu.
Ngày hai mươi tháng mười
Ta mỉm cười như hoa
Thả nghĩ suy lo lắng
Theo gió mà bay xa.
(Ngữ Trương, viết nhân ngày 20/10/2020)