Dưới đây là câu hỏi trả lời của Ngữ cho một bạn sinh viên về du học và nghề luật. Hình chụp ở Happy Valley, mùa Hè 2020.
Chào em,
Anh có vài điều chia sẻ với em như sau em nhé. Các câu trả lời chỉ mang tính tương đối và để tham khảo thôi nghe em, mỗi người có một hoàn cảnh riêng và do đó có lựa chọn riêng, chỉ cần mình thấy phù hợp nhất cho mình là được.
1. Em sớm tìm hiểu về du học và nghề luật như vậy là rất tốt. Anh cũng có ấn tượng tốt về kỹ năng viết email của em từ nội dung cho đến hình thức như cách đặt tên email và phần signature.
2. Anh nghĩ em nên đi làm ít nhất là năm năm rồi hãy đi học. Khi đó em biết rất rõ mình cần học gì, học rồi thì làm gì và học như thế nào. Sống ở nước ngoài cũng cần có sự chín chắn nhất định. Đi làm đủ lâu thì ta thường quý thời gian, tiền bạc và mối quan hệ nhiều hơn.
3. Thời gian học LLM ở Mỹ rất ngắn, chỉ khoảng một năm còn học thực chất thì khoảng mười tháng. Hầu như là học chung lớp với các bạn JD. Nói chung là đề cao tự học (nhất là tự đọc và đối với JD thì thời gian summer internship). Còn lại giờ giảng mỗi bài rất nhanh, chương trình học lại nặng nên thực ra cũng như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhiều bạn sang để đi du lịch và tiệc tùng, không biết có giật mình vì tất cả chỉ như “gió thoảng mây trôi” hay không. Học ở Anh thì anh không rõ. Hình như khác ở chỗ là học LLM ở Anh phải làm nhiều bài luận. Ở Mỹ thì thi cuối học kỳ (cũng có thể dưới hình thức là bài luận nhưng không phải nghiên cứu lý thuyết mà là giải bài tập tình huống).
4. Anh thích học ở Mỹ là vì mấy lý do sau. Thứ nhất, ở đây học về án lệ và học chung với JD nên chương trình mang tính thực tế, ai muốn nghiên cứu sâu hơn về học thuật thì tùy, tự đọc thêm. Thứ hai, người Mỹ phóng khoáng và họ là nền kinh tế tri thức nên tài liệu, thông tin dồi dào miễn phí hoặc giá rẻ cho sinh viên rất nhiều. Thứ ba, thầy cô ở Mỹ hình như thương sinh viên Việt Nam, nhất là những ai siêng năng, trung thực và kiên trì. Thứ tư, luật và thực tiễn kinh doanh nói chung và M&A ở Mỹ anh nghĩ là phát triển nhất thế giới. Thứ năm, tiếng American-English thoáng, dễ nghe. Anh hi vọng em cảm nhận được một chút về môi trường học tập ở Mỹ khi đọc thank-you status này của anh: https://bit.ly/2FPERHu
5. Học JD thì mất ba năm và hình như không có học bổng cho sinh viên quốc tế. Những bạn học JD chủ yếu là muốn ở lại Mỹ hành nghề. Nhưng anh nghĩ ở lại đây làm việc trong ngành luật là không hề dễ dàng chút nào vì rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và chính trị là rất lớn. Học LLM cũng có thể thi bar (New York Bar chẳng hạn) và về lý thuyết thì cũng có thể ở lại để hành nghề ở bang mà mình đã pass the bar.
6. Không biết vài năm nữa ra sao nhưng anh nghĩ cơ hội để sinh viên Việt Nam xin học bổng LLM là cao. Học bổng toàn phần hoặc bán phần. Trường hợp của anh khá là đặc biệt và anh có kể ở trên blog của mình, em tham khảo thêm nhé: https://bit.ly/34odazD
7. Luật pháp về kinh doanh, thương mại của Việt Nam thực ra tham khảo từ và chịu ảnh hưởng bởi nước ngoài rất nhiều. Cho nên đi học luật pháp phương Tây là tìm về nguồn cội của luật pháp về kinh doanh, thương mại của Việt Nam. Điều kỳ lạ là học luật kinh doanh của phương Tây lại giúp ta hiểu rõ hơn luật pháp Việt Nam (như thầy Phạm Duy Nghĩa từng nói đại ý là “đi xa thì lại hiểu gần”). Nhiều điều luật của Việt Nam chỉ sao chép của nước ngoài mà chưa trải qua thực tiễn (quá trình hình thành án lệ và pháp điển hóa), nhiều quy định cũng đang tồn tại trên giấy mà thôi. Học luật nước ngoài ta được tham khảo án lệ, các vụ tranh chấp từ đó ta biết chế định luật đó có nguồn gốc ra sao, nên được hiểu và áp dụng như thế nào.
8. M&A là mua bán công ty. Mà công ty nghĩa là kinh doanh. Cho nên luật sư M&A phải có kiến thức nhất định về kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị, định giá…Em học được MBA thì rất tốt, không thì học mấy ngành mà anh vừa nói. Còn nếu không thể thì em cứ tập trung học luật cho tốt, tốt nghĩa là học thực chất, vừa học vừa tìm hiểu thực tế (đọc sách báo, giao lưu diễn đàn, đi thực tập…). Em nên tập trung học các môn thiên về luật kinh doanh như Bộ luật Dân sự (phần hợp đồng và nghĩa vụ), Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Đất đai, Luật kinh doanh BĐS, Luật Cạnh tranh, Tư pháp quốc tế…Tìm đọc thêm sách về tài chính, kế toán kế toán nhưng viết cho đối tượng người đọc là luật sư.
9. Để chuẩn bị để đi du học thì cần thiết nhất vẫn là làm sao mà tiếng Anh càng giỏi càng tốt. Giỏi đều bốn kỹ năng nói, viết, nghe, đọc. Dù được học bổng nhưng vẫn phải lo chi phí (ăn ở, sách vở, đi lại, bảo hiểm…) trừ khi em xin học bổng của chương trình bao trọn gói như là Fulbright chẳng hạn. Cho nên phải để dành tiền. Anh đi làm 11 năm rồi mới đi học, và vợ chồng anh đã tiết kiệm trong suốt thời gian đó thì giờ mới có tiền mà đi học dù vợ chồng anh không phải đóng học phí. Anh rất sẵn lòng review hồ sơ xin học bổng cho em.
10. Về câu hỏi lĩnh vực luật nào hiện nay được nhiều công ty luật nước ngoài chú trọng nhất bên cạnh M&A, anh xin phép chưa trả lời bây giờ mà để em tự tìm hiểu bằng việc vào các trang như Legal500, Chambers and Partners, IFLR…và websites của các công ty luật nước ngoài ở Việt Nam em nhé.
Cảm ơn em đã gửi câu hỏi cho anh. Anh tin rằng nếu em yêu nghề luật, nghề luật sẽ yêu em.
Thân mến, Ngữ
Tb. Vì chắc cũng có nhiều bạn có thắc mắc như em nên anh đã đăng câu trả lời nói trên lên blog của mình để nhiều bạn có thể tham khảo em ạ.