Đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số 49 ra ngày 03/12/2015.
(Bài này Ngữ viết ngay trước khi Nghị định 118/2015/NĐ-CP được công bố. Nghị định này làm rõ thêm một số vấn đề (về GCNĐKĐT, thủ tục cho công ty niêm yết…) nhưng nhiều điểm đề cập dưới đây vẫn còn chưa được giải quyết triệt để. Vả lại luật là một chuyện, giải thích và áp dụng luật bởi cơ quan nhà nước trên thực tế là chuyện khác.)
Phần 2: Những câu hỏi pháp lý đặt ra
Mua cổ phần doanh nghiệp trong nước được xem là cách thức giúp nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng tham gia vào thị trường Việt Nam nhưng những vướng mắc pháp lý khiến không ít nhà đầu tư chùn tay. Còn nhiều việc phải làm mới mong có được môi trường đầu tư tốt đẹp hơn.
Thiếu đồng bộ
Điều 23 Luật Đầu tư mới đưa ra khái niệm “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” và đưa ra nguyên tắc đối xử với những tổ chức này. Theo đó, nếu tổ chức này có vốn nước ngoài gián tiếp hay trực tiếp chiếm từ 51% vốn điều lệ trở lên thì sẽ phải đáp ứng các điều kiện được áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC. Oái oăm ở chỗ điều luật này không nói rõ liệu “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” đó có bị đối xử như nhà đầu tư nước ngoài khi tự mình kinh doanh các ngành nghề mà luật áp đặt các hạn chế và điều kiện ngặt nghèo lên nhà đầu tư nước ngoài hay không.
Ngoài ra, rất nhiều văn bản luật khác còn sử dụng khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” cho dù được ban hành sau Luật Đầu tư. Do đó, có những quy định khiến nhà đầu tư lúng túng. Ví dụ, điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản mới áp đặt hạn chế rằng đối với khoản tiền thanh toán trước khi mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, nếu bên bán là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số tiền mà bên bán có thể ứng trước từ khách hàng không quá 50% giá trị hợp đồng. Không rõ doanh nghiệp như thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định này. Tương tự, Luật Nhà ở mới vẫn còn sử dụng khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” và đặt ra các hạn chế đối với loại hình doanh nghiệp này khi sở hữu nhà tại Việt Nam về số lượng và loại nhà ở mà không giải thích rõ khái niệm này. Đó là chưa kể tới còn hàng trăm văn bản dưới luật sử dụng các thuật ngữ tương tự, như “tổ chức nước ngoài” (Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở) hay “doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” (Thông tư 47/2010/TT-BYT về xuất nhập khẩu thuốc).
Liệu có thể dựa trên nguyên tắc tại điều 23 nói trên của Luật Đầu tư khi áp dụng quy định của các văn bản chuyên ngành này? Điều này tạo nên sự thiếu chắc chắn (uncertainty) cho nhà đầu tư và tạo điều kiện để luật được áp dụng khác nhau mỗi nơi, mỗi lúc.
Phận con lai
Pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp Việt Nam sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua vốn (tức là chuyển từ “nước trong” sang “nước ngoài”). Theo Luật Đất đai, một doanh nghiệp Việt sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài mua vốn trong doanh nghiệp. Cũng theo luật này, doanh nghiệp đó sẽ có quyền và nghĩa vụ đối với mảnh đất đang sử dụng như một doanh nghiệp vốn ngoại thực thụ nếu như nhà đầu tư nước ngoài mua toàn bộ hoặc nắm tỷ lệ cổ phần chi phối; còn ngược lại doanh nghiệp sẽ vẫn sử dụng đất như một doanh nghiệp trong nước thông thường. Đây là điều luật hiếm hoi đưa ra được nguyên tắc để xác định quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp Việt sau khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần. Thiếu loại quy định như thế này, các hạn chế mang tính phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trở nên khó áp dụng trên thực tế.
Ví dụ, một doanh nghiệp Việt đang sở hữu nhà ở riêng lẻ không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nếu bỗng một ngày trở thành “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (mà theo luật chỉ được sở hữu căn hộ hoặc nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở), thì có phải từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với những ngôi nhà này? Hay là doanh nghiệp đó phải bán nhà đi trước khi nhà đầu tư mua vốn? Vắng bóng những quy định mang tính bao quát đặt ra nguyên tắc giúp xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi chuyển sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho bên thiếu thiện chí lách luật trong khi lại khiến cho nhà đầu tư nghiêm túc thiệt thòi vì… quá tuân thủ luật.
Thiếu ngoại lệ cho doanh nghiệp niêm yết
Những quy định hạn chế quyền của “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” dựa trên tỷ lệ sở hữu sẽ trở nên khập khiễng khi áp dụng cho doanh nghiệp đã “lên sàn”. Là vì cổ phần của những doanh nghiệp này được mua bán liên tục giữa nhà đầu tư thông qua sàn giao dịch chứng khoán, tỷ lệ sở hữu nước ngoài vì thế trồi lên trụt xuống hàng giờ, chính bản thân doanh nghiệp cũng không kiểm soát được, làm sao mà tuân thủ luật.
Về mặt thủ tục, theo Công văn 4333/2015/BKHĐT-PC ngày 30-6-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần theo quy định của pháp luật về chứng khoán thực hiện theo điều 4.2 của Luật Đầu tư. Có thể hiểu hướng dẫn này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết sẽ chỉ cần phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo Luật Chứng khoán (như xin mã và mở tài khoản giao dịch chứng khoán, mua bán thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đăng ký cổ đông lớn) chứ không cần theo quy định của Luật Đầu tư, tức là không cần phải thực hiện đăng ký mua cổ phần theo điều 26 của luật này. Hướng dẫn quan trọng và hợp lý này không nên chỉ dưới hình thức công văn và thiếu rõ ràng như thế.
Dường như việc đặt ra và duy trì các quy định mơ hồ như trên không phải là “rào cản kỹ thuật” mà Nhà nước Việt Nam cố tình dựng nên nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước làn sóng thâu tóm. Điều đó chỉ thể hiện tình trạng làm luật mang tính chắp vá. Và như thế trong thời gian tới, chắc hẳn Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ phải làm việc vất vả mới mong làm cho môi trường đầu tư trở nên tốt đẹp hơn.
(Hình chụp ở Miền Tây quê vợ, nhân dịp đi chài cùng người thân)