Đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số Tất niên Ất Mùi ra ngày 28/1/2016.
Đầu năm 2016, Bộ Tài chính công bố dự thảo Thông tư điều chỉnh hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam (dự thảo) và đang chờ góp ý. [1]Không ít người háo hức đón đợi dự thảo này, đến khi đọc rồi mới thất vọng vì có chăng đó chỉ là bản cập nhật của Thông tư 131/2010/TT-BTC: gom góp quy định có liên quan của các luật hiện hành, hướng dẫn mang tính “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp Việt bán vốn và đặt ra các quy định lạ lùng, bất hợp lý.
Trùng lặp, vênh với luật
Rất nhiều quy định của dự thảo sao chép quy định của các văn bản luật hiện hành. Lấy ví dụ: cách xác định nhà đầu tư nước ngoài giống Điều 23 của Luật Đầu tư; tỷ lệ sở hữu lặp lại Điều 22 luật này; quyền lựa chọn làm nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không khác gì Điều 11 Nghị định 118/2015/NĐ-CP; bán cổ phần của cổ đông sáng lập y chang Điều 119 Luật Doanh nghiệp; còn sở hữu chéo thì bê nguyên xi quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy thông tư không có “tính mới”.
Vấn đề nằm ở chỗ, người soạn diễn giải quy định tại các văn bản khác theo cách hiểu của mình cho nên đôi chỗ vênh với luật. Chẳng hạn dự thảo cho rằng chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài và được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam. Cần cẩn thận ở điểm này vì Luật Đầu tư chỉ xem tổ chức nước ngoài (chứ không phải chi nhánh) mới là nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, phạm vi hoạt động của chi nhánh theo Luật Thương mại không bao gồm hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Đồng thời Luật Doanh nghiệp đòi hỏi tổ chức góp vốn, mua cổ phần phải có tư cách pháp nhân.
Quan liêu
Theo dự thảo này, thành viên, cổ đông bán cổ phần thì “giá bán cho bên nước ngoài không được thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư trong nước tại cùng thời điểm”. Đây là quy định mang tính bảo hộ kế thừa Thông tư 131. Phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp là tài sản của thành viên, cổ đông và như vậy người bán có toàn quyền quyết định giá bán mà mình thấy hợp lý. Định giá thấp để trốn thuế thì đã có quy định về luật thuế xử lý. Với lại giá chỉ là một phần của giao dịch, còn nhiều điều kiện nữa để các bên thương lượng.
Hoặc dự thảo áp đặt rằng khi có trên 3 nhà đầu tư là bên nước ngoài đăng ký mua cổ phần hoặc tối đa 3 nhà đầu tư là bên nước ngoài đăng ký mua mà tổng số vốn đăng ký mua lớn hơn số vốn dự kiến bán cho bên nước ngoài thì phải tổ chức đấu giá. Bán theo phương thức nào là quyền của doanh nghiệp hoặc người bán vốn. Bán sao để được giá nhất thì không ai hiểu hơn họ cả vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Còn bán vốn nhà nước thì đã có các quy định khác buộc đấu giá. Trên thực tế cũng không cần đợi Bộ Tài chính hướng dẫn, nhiều giao dịch M&A ở Việt Nam đã được tiến hành theo phương thức đấu giá do chính bên bán và nhà tư vấn tổ chức nhằm bán với giá hời nhất. Nếu thuộc trường hợp thông tư yêu cầu đấu giá mà các bên không làm theo thì liệu có trái luật?
Vô lý
Quy định về “đại diện giao dịch tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài” và “người trực tiếp thực hiện giao dịch” cũng là những điều khoản khó hiểu của dự thảo.
Cụ thể, dự thảo nói rằng nhà đầu tư nước ngoài chỉ được ủy quyền cho duy nhất một đại diện giao dịch tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Tại sao phải là “duy nhất”? Quy định này áp dụng cho một giao dịch cụ thể dự kiến hay cho tất cả hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam của nhà đầu tư?
Dự thảo phân ra tổ chức đại diện và cá nhân đại diện. Là tổ chức thì phải được cấp phép kinh doanh môi giới đầu tư, tư vấn đầu tư, uỷ thác đầu tư, môi giới chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư. Là cá nhân thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán, phân tích tài chính, quản lý quỹ…, đặc biệt là không đồng thời làm việc cho tổ chức đại diện. Dự thảo cũng bắt buộc tổ chức nước ngoài chỉ được ủy quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam; không được ủy quyền cho cá nhân đại diện tại Việt Nam, còn cá nhân nhà đầu tư thì quyền cho ai cũng được. Hơn thế nữa, nếu nhà đầu tư là một công ty đã được thành lập ở Việt Nam thì công ty đó nhất định phải trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam chứ không được ủy quyền cho ai hết. Thật khó mà giải thích được tính hợp lý hay cần thiết của những quy định này.
Nhiêu khê
Dự thảo đặt ra các yêu cầu về công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam khi bán vốn cho nước ngoài. Đây là những quy định thừa bởi vì bản thân Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã có cơ chế để kiểm soát vốn nước ngoài trong doanh nghiệp như buộc nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần trước khi thực hiện giao dịch và buộc doanh nghiệp đăng ký cổ đông nước ngoài với cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi hoàn tất giao dịch.
Về công bố thông tin thì đã có quy định của Luật Chứng khoán đối với các công ty có quy mô lớn (đại chúng và niêm yết), ảnh hưởng đến nhiều người, còn những công ty nhỏ thuộc phạm vi áp dụng của dự thảo thông tư thì không nhất thiết phải điều chỉnh mà hãy để các bên tự quyết định. Trên thực tế, trước hoặc sau giao dịch các bên sẽ công bố giao dịch (như làm thông cáo báo chí) với nội dung và thời điểm mà các bên thấy cần thiết.
Thiếu sót
Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định rằng khi đầu tư, giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán và quỹ đại chúng chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán về thủ tục đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ và giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng đến nay chưa thấy hai bộ có hướng dẫn và điểm này cũng không được đề cập trong dự thảo.
Điểm cộng
Nhưng không phải dự thảo không có điểm sáng. Dự thảo nói rõ tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của bên nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết của tất cả các bên nước ngoài trong một doanh nghiệp Việt Nam. Có nghĩa là cổ phần không có quyền biểu quyết sẽ không được tính vào “room” vốn ngoại trong doanh nghiệp Việt Nam. Đây không phải là quy định mới. Luật Doanh nghiệp có định nghĩa tương tự. Có điều Luật Doanh nghiệp định nghĩa rồi…im lặng. Còn Luật Đầu tư thì vẫn xác định trên vốn điều lệ. Mãi đến khi có Nghị định 60/2015/NĐ-CP mới xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dựa trên vốn có quyền biểu quyết, nhưng nghị định này chỉ áp dụng cho các công ty đại chúng. Tuy nhiên câu chữ của dự thảo cần phải rõ ràng hơn nữa.
Dự thảo cũng nói rõ là nhà đầu tư nước ngoài được phép mua quyền góp vốn hoặc quyền mua cổ phần. Đây không hẳn là điểm mới nhưng quy định rõ như vậy giúp nhà đầu tư thực hiện giao dịch và chuyển tiền mua quyền dễ dàng hơn.
Dường như Bộ Tài chính muốn soạn một “cẩm nang bán vốn” cho doanh nghiệp Việt Nam: từ mục đích bán, lập phương án bán, thẩm quyền quyết định giao dịch, đại diện ký kết tài liệu giao dịch cho đến phương thức bán. Nhưng cuốn cẩm nang này thiếu các quy định cần thiết, hợp lý, mà thừa các quy định quan liêu, giáo điều. Hơn nữa đã là cẩm nang thì không nên dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật vốn mang tính bắt buộc tuân thủ.
[1] http://vibonline.com.vn/Duthao/1855/Du-thao-Thong-tu-Huong-dan-thuc-hien-gop-von-mua-co-phan-phan-von-gop-tai-doanh-nghiep-Viet.aspx (truy cập lần cuối ngày 24/1/2016)