Tác giả: Vương Khải Kỳ (Trí Việt News)
“Quốc gia suy vong, thất phu hữu trách”, có lẽ đây là câu nói mà ai cũng có thể đã nghe thấy hoặc đọc được đâu đó trong đời sống về trách nhiệm của một kẻ bình dân, ít học trước tình cảnh nguy ngập của đất nước. Đến một người không phải là người được học hành hay có học vấn, thành phần mà người ta vẫn thường cho rằng là những lớp người dưới của xã hội, cũng nhận lấy sự liên đới của bản thân về bổn phận của mình đối với dân tộc và xã tắc. Vậy đối với người trí thức thì trách nhiệm của họ sẽ lớn lao ra sao khi quốc gia rơi vào tình trạng tha hoá và lụn bại?
Chắc chắn rằng, người trí thức không thể nào là những kẻ đứng ngoài cuộc đối với sự suy mạt của đất nước, nơi mà đã khởi sinh, dung chứa và duy giữ sự tồn tại cũng như cho họ một danh phận đối với chính xã hội mà họ đang đứng trong nó. Ngay bản thân danh xưng trí thức, thứ mà khiến cho một người trở nên được tôn trọng và có nhiều cơ hội hơn hẳn những lớp người khác trong xã hội nhờ sự hiểu biết vì những kiến thức thu nạp được do được đào tạo bài bản, đã nói lên vị thế và tầm quan trọng của họ trong chính đất nước đó là như thế nào.
Trí thức từ đâu mà có? Là do môi trường giáo dục tạo nên. Mà giáo dục luôn là một quốc sách hàng đầu vì là nơi tạo ra nguyên khí đối với mỗi quốc gia, nó là thứ vũ khí có sức mạnh có thể thay đổi được cả thế giới này. Và một đất nước sẽ chỉ trở nên giàu có khi biết thu hút nhưng cái đầu vĩ đại hoặc thực sự coi trọng công cuộc giáo dục. Từ đó nói lên vai trò hết sức đặc biệt của giới trí thức đối với vận mệnh một dân tộc. Trí thức trước thời cuộc, không được phép chỉ biết vục mặc vào mâm cơm và lo làm sao cho đầy cái túi tham của mình. Không thể thở dài và rồi tặc lưỡi cho qua trước mọi sự nguy biến. Không được cùng quẫn trước nghịch cảnh mà gây tao loạn. Không được hèn nhược hay bị mua chuộc trước cường quyền. Không được dối trá hay dung túng cho cái sai điều trái. Không được thờ ơ trước sự ngu dốt của người khác. Không được thoái thác trách nhiệm của mình với xã hội.
Tư tưởng là thế, và thường thì ai cũng dựa vào đó để định hướng cho bản thân mình những mục tiêu cần đạt được trên con đường trở thành trí thức. Nhưng với một quốc gia thiếu thực chất, với sự áp đặt của một thể chế tồi, sẽ dẫn đến một thực trạng đau lòng là đa phần con người ta coi bằng cấp là tất cả những gì tinh tuý nhất của người trí thức, là công cụ hay phương tiện để đạt mục đích và lợi ích thay vì coi chúng là những tấm áo bên ngoài của tri thức để từ đó mà tự vấn bản thân cần phải trau dồi và học hỏi thêm mỗi ngày nếu không muốn trở thành những kẻ ngu dốt và giáo điều trống rỗng. Và rồi, khi coi nó là công cụ để tìm kiếm lợi ích và hư danh, để trưng ra khoe mẽ và lòe bịp thiên hạ, họ chỉ còn biết hành động một cách bản năng để thoả mãn những nhu cầu thấp hèn của bản thân, thậm chí bằng mọi phương cách bất chấp cả luân lý hay luật pháp. Sau khi tìm mọi cách để sở hữu cho được những tấm bằng để coi mình là trí thức, họ trở nên tự mãn, tự đại, nhưng ích kỷ, nhỏ mọn với nhiều toan tính, mưu đồ xấu xa, họ trở thành những thành phần lưu manh, bất hảo có thể sẵn sàng hãm hại người khác để leo lên cao hơn hoặc nhằm đoạt được chức vị hay là những lợi ích tầm thường cho bản thân.
Đối với một số kẻ mang danh trí thức với tâm địa tồi bại, với vỏ bọc là những kẻ có học được trang hoàng những tấm bằng đủ loại, chúng chính là nguồn cơn của những thứ tồi tệ ngày càng lan rộng và tàn phá xã hội; số khác thay vì dùng hiểu biết của mình để đấu tranh và triệt bỏ những thứ tha hóa, suy đồi đó thì lại né tránh hoặc tìm cách thỏa hiệp để an thân. Vậy nên đất nước ngày càng xoáy sâu hơn vào những loạn lạc cùng những thảm cảnh hết sức trầm trọng. Nhưng càng đáng buồn hơn nữa, đa phần trí thức lại coi rằng đó là điều hiển nhiên hay là có thể chấp nhận được mà bỏ qua căn nguyên gốc rễ tạo nên chúng hoặc lấy chúng làm cớ lý cho sự bàng quan, vô cảm của mình để chối bỏ trách nhiệm của một người trí thức đối với xã hội.
Rõ ràng, với tầm mức quan trọng của mình đối với quốc gia, đáng ra họ phải có bổn phận cải biến con người và xã hội một cách tích cực, khiến cho mọi thứ tốt đẹp hơn lên bằng những tri kiến của mình, thì họ lại tiếp tay cho cái gian tà hoặc buông bỏ và phó mặc cho xã hội ra sao thì ra, miễn là bản thân họ hoặc gia đình họ vẫn có thể tìm kiếm được các món lợi hoặc an ổn là đủ. Đó là một mối nguy hại đối với đất nước khi mà lại dung chứa lắm loại trí thức chỉ có cái vỏ mà không có tâm hồn và trí tuệ. Nó dẫn đến con người ngày càng tàn ác với nhau, những người thiếu hiểu biết hay ít học lại ngày càng trở nên u mê và lạc hậu hơn, những kẻ có uy thế hay quyền lực thì tha hồ hoành hành, chà đạp lên mọi thứ mà vẫn thản nhiên, ung dung và sung sướng hưởng thụ những lợi quyền mà chúng cướp đoạt được của người khác.
Trí thức, đúng nghĩa, phải là những con người có đầy đủ phẩm chất thuộc về trí tuệ (trình độ tư duy và nhận thức) cùng cái khí chất của một lương tri trong sáng và quả cảm, chứ trí thức không chỉ được hiểu đơn thuần và hết sức ngộ nhận rằng họ là những con người được đi học qua trường lớp và cấp bằng là xong. Nếu nhìn nhận như vậy thì thực đã vô cùng xúc phạm đến những trí thức chân chính đã một lòng đấu tranh và tận hiến mọi trí lực, thậm chí cả sinh mệnh của mình, trong công cuộc gây dựng con người và đất nước trong suốt chiều dài lịch sử đã qua. Chỉ có những trí thức dám lên tiếng, bằng tất cả lòng trung thực, sự khí khái và lòng dũng cảm, không chùn bước trước nhiễu nhương hay tỏ ra sợ hãi những kẻ quan quyền, không đề cao danh lợi bản thân và biết quan tâm đến người khác, mới có giá trị đối với sự văn minh của dân tộc và sự cường thịnh của quốc gia.
Để kết thúc bài viết về vai trò và vị thế của trí thức, đặc biệt khi đứng trước sự nguy bách của thời cuộc, xin được trích dẫn một câu nói không thể chính xác và đầy đủ hơn của ông Roosevelt: có học vấn không có đạo đức như một kẻ xấu; có đạo đức không có học vấn như một kẻ thô bỉ. Và vì vậy, trí thức thì không thể nào để mình trở thành một kẻ xấu xa và càng không thể để những người khác là những kẻ thô bỉ được.