1. Hôm nay đọc được bài Đức Giáo hoàng Vatican cúi xuống hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan là những người từng đối đầu nhau để kêu gọi gìn giữ hòa bình.
“Đối với ba ngài, những người đã ký hiệp ước hòa bình, tôi yêu cầu với tư cách một người anh em rằng hãy gìn giữ hòa bình bằng cả trái tim mình”, Giáo hoàng nói.
(“To you three, who have signed a peace agreement,” the Pope said, “I ask you as a brother, remain in peace.”)
Ngài làm vậy trong một nghi lễ trước Lễ Phục sinh để tưởng nhớ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ. “Chúa Jesus đã rửa chân cho các tông đồ trước khi bắt đầu bữa tiệc để răn dạy rằng cúi mình rửa chân là đặt mình ngang chân người khác, biết bỏ đi cái tôi mà phục vụ bởi tình yêu.”
2. Cái tôi (ego) của mỗi người là cao hay thấp quyết định cách mà người đó cư xử với người khác. Đó là nguồn gốc của xung đột: lớn hay nhỏ; phức tạp hay giản đơn; trong từng gia đình, nơi công sở; giữa người này với người khác, nước này với nước khác, dân tộc này với dân tộc kia, nhóm người này với nhóm người khác.
3. Hôm nay thôi mình cũng mới gặp “cái tôi” của mình. Đi sửa con ngựa sắt, anh thợ trả lời kiểu nhát một, bỗng thấy chút bực mình. Khi ấy mình có vài lựa chọn, chẳng hạn như đẩy xe tìm tiệm khác giữa trưa Sài Gòn và sẽ ném cho một câu dạng như “anh nên tôn trọng khách hàng”. Hình như mình đã chọn cách im lặng, nghĩ rằng: có lẽ tính anh ấy như thế, hoặc có khi anh ấy đang mệt hay đang bực mình chuyện gì đó; với lại, anh thợ này vậy thôi còn chủ tiệm rất dễ thương. Vậy là gửi xe lại đó sửa. Chiều tối, chủ tiệm điện ra nhận xe, mình cảm ơn anh thợ. Anh ấy đang lúi húi sửa xe khác vẫn đứng dậy đẩy xe ra, dựng chân chống cho mình. Thế thôi, “cái tôi” của gió chiều mát mẻ hình như đã lớn hơn “cái tôi” trưa chang chang nắng.
4. Nếu nhiều khi trong công việc, mình xoa dịu được “cái tôi” Ngữ Trương to bự, có thể nhiều đồng nghiệp đã không buồn phiền, giận hờn hay lo lắng như thế.
5. Lại đọc được bài thơ “Cái tôi” của Thầy Thích Tánh Tuệ, lại xấu hổ với cái tôi hãy còn rất to của mình:
“Cái Tôi là cái chi chi
Mà hoài quanh quẩn chưa khi nào rời
Thuở còn bé dại nằm nôi
Đã cao giọng khóc cho… đời biết tên.
Điều gì cũng dễ lãng quên
Cái tôi – sâu đậm nhớ bền chẳng phai.
Sớm mai đã ngắm hình hài
Thế gian kia hỏi mấy ai hơn mình.
Điểm tô, trau chuốt dáng hình
Thèm thuồng thiên hạ cái nhìn, xuýt xoa!
Cái tôi theo tháng ngày qua
Măng non thành cụm tre già dặn hơn.
Trong nhà, cuối xóm, đầu thôn
Tôi là số một, tôi “ngon” hơn người.
Tôi khóc, không muốn ai cười
Thấy ai thành đạt tôi thời chẳng vui
Tôi nói ngược, chớ nói xuôi
Một khi tôi muốn có Trời mới can!
Tôi thành cái rốn không gian
Bên ngoài nảy nở, bất an trong lòng.
Truy tìm hai chữ thành công
Nên đường Danh, Lợi đèo bồng ngược xuôi.
Chiều cao chỉ một mét thôi
Nhưng muốn đời phải ngước đôi mắt nhìn,
Muốn nhân tâm hướng về mình
Dành bao thiện cảm, tâm tình cho tôi.
Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi
Là trung tâm điểm cho người ước mơ…
Chiều nay, bỗng thật tình cờ
Vào chùa Sư cụ ngó lơ, tôi buồn!
Sư rằng: “Vạn sự vô thường,
Thân, tâm chiếc bóng trên tường, huyễn hư!
Con người khổ bởi khư khư
Ôm cái huyễn ngã, Chân như đoạn lìa.”
Ôi! Thanh âm chốn Bồ Đề
Nghe như vụn vỡ u mê nghìn đời.
Còn “tôi”, còn nặng luân hồi
Buông tôi – nghe nhẹ đất trời thênh thang.
Có “tôi”, trăm mối lo toan
Vắng “tôi”, đời sống bình an mọi bề.
Lời Sư, trăng rọi lối về
Xưa nay nằm mộng, chưa hề có tôi!
Ngước hư không, bẽn lẽn cười
Thương “cái tôi” của một thời trẻ con!”