Đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (tháng 2/2018)
Ai đó đã ví von rằng Luật Doanh nghiệp giúp tạo ra các loại hình doanh nghiệp là các cỗ xe, còn Luật Đầu tư là con đường để xe chạy trên đó. So sánh này dễ hiểu dù có hơi nâng tầm của Luật Đầu tư. Nói vậy là vì các cỗ xe phải chạy trên con đường pháp luật Việt Nam nói chung mà Luật Đầu tư chỉ là một làn đường trên đó.
Làn đường Luật Đầu tư còn nhiều ổ gà. Đó là lý do Chính phủ muốn tiếp tục sửa luật, để làn đường này bằng phẳng và thông thoáng hơn. Thế nhưng nếu chỉ sửa đường theo cách lấp vá thì chẳng mấy chốc đường lại nham nhở.
Xe nhập ngoại
Nói thẳng ra Luật Đầu tư nay chỉ dành để điều chỉnh dự án của nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tức là làn đường ấy về bản chất chỉ dành cho xe nhập khẩu. Nhưng Luật Đầu tư chưa đặt ra tiêu chí hợp lý để phân biệt đâu là xe nhập khẩu (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đâu là xe nội địa (doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước) và nguyên tắc chung để đối xử với dòng xe nhập ngoại.
Thai Beverage là công ty của Thái Lan. Công ty này sở hữu toàn bộ BeerCo ở Hồng Kông. BeerCo nắm giữ 49% vốn điều lệ của Vietnam F&B Alliance Investment (51% còn lại do bên Việt Nam nắm giữ). Đến lượt Vietnam F&B Alliance Investment, công ty này sở hữu toàn bộ Vietnam Beverage. Nghiễm nhiên, Vietnam Beverage có thể mua cổ phần của Sabeco y chang một doanh nghiệp trong nước và không phải chịu hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong Sabeco.
Việc Vietnam Beverage được đối xử thoải mái như thế phù hợp với Luật Đầu tư hiện tại. Có điều không biết ban soạn thảo Luật Đầu tư mới sắp tới có đặt ra cho mình những câu hỏi sau đây:
(1) Điều gì sẽ xảy ra nếu như sau khi Vietnam Beverage đã mua thành công cổ phần của Sabeco, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong Vietnam F&B Alliance Investment tăng lên 51% hoặc hơn?
(2) Khi Vietnam F&B Alliance Investment hay Vietnam Beverage kinh doanh bán sỉ, bán lẻ hàng hóa; làm dự án bất động sản; mua đất, căn hộ ở Việt Nam… liệu hai công ty này có còn được đối xử giống như công ty trong nước?
(3) Khi nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua thêm vốn trong Vietnam F&B Alliance Investment, cơ quan nhà nước có kiểm tra Vietnam Beverage (công ty do Vietnam F&B Alliance Investment sở hữu 100%) đang kinh doanh ngành nghề gì, có bao nhiêu khu đất, sở hữu công ty nào khác ở Việt Nam?
(4) Liệu nhà đầu tư Việt Nam trong Vietnam F&B Alliance Investment có thực sự kiểm soát được công ty này dù nắm giữ tới 51% vốn điều lệ?
(5) Nhà nước Việt Nam sẽ biết nếu nhà đầu tư Thái Lan bán vốn trong Thai Beverage và BeerCo? (có câu hỏi này là vì Nhà nước muốn thu thuế chuyển nhượng vốn trong trường hợp đó, buộc nhà đầu tư chiến lược không được bán cổ phần trong mấy năm đầu và đôi khi lựa chọn nhà đầu tư dựa trên quốc tịch).
Đặt mấy câu hỏi trên chỉ mong nhà làm luật nhận thấy rằng, tiêu chí hợp lý để phân biệt đâu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đâu là doanh nghiệp trong nước của Luật Đầu tư hiện tại vừa hạn hẹp, cứng nhắc, mà lại lỏng lẻo, thiếu tính bao quát, không đồng bộ với các luật chuyên ngành khác. Điều này khiến việc kiểm soát đầu tư nước ngoài không hiệu quả.
Luật Đầu tư cần đặt ra tiêu chí để phân biệt và nguyên tắc để đối xử với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về điều kiện kinh doanh, phạm vi kinh doanh, quyền sở hữu và định đoạt tài sản, quyền sử dụng đất… Quy định về vấn đề này của Luật Đầu tư cần phải được áp dụng chung cho tất cả các luật khác.
Về mặt kỹ thuật, cần phải có một hệ thống ghi nhận mối quan hệ sở hữu đan chéo giữa các doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong từng doanh nghiệp. Nếu không quy định thì pháp luật cũng chỉ như các khẩu hiệu treo bên lề đường: có tính hô hào mà thiếu tính thực tế.
Nhiều đường ngang dọc
Thủ tướng Chính phủ khích lệ các bộ “dám từ bỏ quyền lực”, sự từ bỏ đó nên bắt đầu từ tinh thần mong muốn xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh đồng bộ. Khi đó sửa luật mới thực sự là cơ hội để Chính phủ kiến tạo. |
Nói Luật Đầu tư chỉ là một làn đường trên con đường pháp luật Việt Nam là nhìn về chiều dọc. Trên con đường ấy còn nhiều lắm những con đường đâm ngang, chằng chịt, lại không được đánh số cho dễ tìm.
Những con đường ngang đó là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường… Cách đây mấy năm Chính phủ có ý định xây dựng một văn bản hệ thống hóa thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án có sử dụng đất. Đó là lý do Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6-6-2014 ra đời. Nhưng đến nay thì nghị quyết này cũng đã trở nên lỗi thời với chính Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành khác. Các bộ, ngành cũng chỉ nắm được thủ tục do ngành họ phụ trách mà không biết và dường như cũng không muốn kết nối với thủ tục do bộ, ngành khác quản lý.
Sửa Luật Đầu tư là cơ hội để Chính phủ xây dựng một đạo luật mang tính xương sống cho hệ thống pháp luật về kinh doanh. Thủ tục hành chính được quy định tại các luật chuyên ngành có ảnh hưởng đến kinh doanh (đặc biệt là dự án liên quan đến đất đai và xây dựng công trình) đều phải phù hợp với Luật Đầu tư theo một trình tự rõ ràng. Đó cũng là cách mà Chính phủ trả lời cho câu hỏi về tính cần thiết của Luật Đầu tư giữa khu rừng các luật chuyên ngành khác.
Cá mè một lứa
Quản lý đầu tư nước ngoài theo cách hiện tại của Luật Đầu tư là kiểu “cá mè một lứa”. Dù dự án là thành lập công ty dịch vụ (vận tải, kế toán, giáo dục…) hay sản xuất (mở xưởng, khai mỏ, trồng rừng…) đều bị quản lý như nhau. Tờ khai thông tin đăng ký dự án nội dung cũng tương tự, nào là mục tiêu, thời hạn hoạt động, địa điểm thực hiện dự án… Rồi trùm lên hai cơ thể gầy, mập khác nhau đó là chung một chiếc áo “giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” với cùng kích cỡ. Nói vậy để thấy Nhà nước cần “đo ni đóng giày” khi quản lý đầu tư nước ngoài.
Luật Đầu tư cần tập trung xử lý nhiều nỗi lo khác: bị chiếm dụng đất; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác hết; lợi ích cộng đồng không được bảo vệ khi Nhà nước phải chia sẻ quyền cung cấp dịch vụ công ích và sử dụng cơ sở hạ tầng quan trọng (đường sá, sân bay, bến cảng) hay dự án sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nếu vậy chỉ những dự án loại này mới cần phải được quản lý chặt chẽ từ quy mô cho đến tiến độ thực hiện. Việc tập trung vào đối tượng quản lý sẽ giúp tăng cường khả năng quản lý và đạt được mục đích quản lý.
Ôm rơm nặng bụng
Một điều còn tồn đọng có lẽ từ hồi còn quản lý kinh tế theo kiểu “tập trung, quan liêu, bao cấp” là cơ quan nhà nước quan tâm rất nhiều đến tính khả thi về mặt kinh tế của dự án. Ví dụ cụ thể nhất là Luật Xây dựng. Nhà đầu tư phải lập báo cáo khả thi, phân tích tài chính, rủi ro, chi phí khai thác sử dụng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án. Vậy là cơ quan quản lý đầu tư và quản lý xây dựng giẫm chân lên nhau. Tại sao cơ quan quản lý xây dựng phải quan tâm những vấn đề đó? Hơn nữa liệu cán bộ quản lý xây dựng có giỏi hơn nhà đầu tư trong việc xác định tính khả thi của dự án? Làm vậy cũng giống như cảnh sát giao thông cần biết chi phí và khả năng sinh lời của một chuyến xe của công ty vận tải.
Nhà nước cũng quan tâm đến vốn đầu tư, từ mục đích dùng vốn, nguồn vốn đến lịch trình góp vốn. Vấn đề là “dự án” luôn ở thì tương lai. Chính bản thân nhà đầu tư cũng không thể chắc chắn được dự án có khả thi hay không và điều kiện thị trường có như dự kiến hay không. Vậy thì làm sao mà buộc họ góp đúng số vốn mà họ đã đăng ký có khi trước đó cả mấy năm trời. Nhà đầu tư cũng phải chứng minh khả năng góp vốn, nhưng tài liệu mà Nhà nước nghĩ là có thể chứng minh khả năng tài chính đó không bảo đảm được nhà đầu tư sẽ góp đủ vốn như đã đăng ký trên thực tế. Vậy Nhà nước cần “biết buông bỏ” khi quản lý đầu tư, biết vấn đề nào cần quản lý và vấn đề nào trả lại cho thị trường điều tiết. Tự nhà đầu tư sẽ biết được họ cần bao nhiêu tiền, vào lúc nào và lấy từ nguồn nào. Các con số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chẳng có ý nghĩa gì nhiều ngoài mục đích thống kê và khoe thành tích thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng đã đến lúc Nhà nước không cần miễn lệ phí đăng ký đầu tư nữa. Số tiền phí hành chính phải nộp quá nhỏ để có thể nói rằng miễn lệ phí là một cách để thu hút đầu tư. Lệ phí thu được có thể dùng để tăng lương cho chuyên viên làm việc trong cơ quan quản lý đầu tư để họ được trả công xứng đáng khi làm tốt công việc và (hi vọng là) sẽ bớt nhũng nhiễu khi xử lý hồ sơ.
Lắm thầy nhiều ma
Vai trò của cơ quan quản lý đầu tư hiện tại khá mờ nhạt từ cấp tỉnh cho đến cấp trung ương. Sau khi tiếp nhận hồ sơ cấp phép, dự án gặp vấn đề gì về “chuyên ngành” thì hỏi bộ quản lý chuyên ngành. Nếu một sở, bộ ngành nào đó nói “không”, hồ sơ lập tức vướng lại mà không có cơ chế phản biện giữa cơ quan đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành. Hiểu biết về cam kết quốc tế của Việt Nam và pháp luật về kinh doanh của các sở, bộ chuyên ngành lại có phần hạn chế. Lấy ý kiến nhiều khi là cách mà các cơ quan “đá quả bóng trách nhiệm” cho nhau. Ở địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể thống nhất ý kiến cơ quan cấp sở nhưng chẳng dám trái ý cấp bộ. Chính phủ có thể phủ nhận ý kiến cấp bộ nhưng lại không thể để ý từng dự án cụ thể. Muốn đẩy nhanh quá trình cấp phép, Chính phủ nên trao nhiều quyền hơn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thu hẹp loại vấn đề cần phải lấy ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành.
Cơ chế khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đầu tư cần được cải thiện thì may ra doanh nghiệp mới hết bị “làm khó” bởi cơ quan nhà nước địa phương theo kiểu “trên mở dưới trói”.
Ngoài Luật Đầu tư thì Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh khác cũng đang được nghiên cứu sửa đổi. Mong muốn sửa chữa để khắc phục kịp thời rào cản pháp lý là điều đáng được hoan nghênh. Nhưng sửa đổi theo kiểu chắp vá, mỗi bộ, ngành ngồi “một mâm” thì vẫn sẽ là câu chuyện “con kiến mà leo cành đa”. Thủ tướng Chính phủ khích lệ các bộ “dám từ bỏ quyền lực”, sự từ bỏ đó nên bắt đầu từ tinh thần mong muốn xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh đồng bộ. Khi đó sửa luật mới thực sự là cơ hội để Chính phủ kiến tạo. Nhà đầu tư chân chính không sợ luật, chỉ sợ luật thiếu, bất hợp lý và không rõ ràng. Họ cũng sợ quá trình thực thi luật pháp yếu kém, gây bất bình đẳng giữa nhà đầu tư tôn trọng pháp luật với nhà đầu tư phớt lờ pháp luật.