1. Gần nửa đêm ngày 16/7 (giờ Pennsylvania), hai vợ chồng đến Mỹ sau cả ngày dài bay từ Việt Nam, quá cảnh ở Nhật, nhập cảnh ở Chicago và bay về sân bay University Park ở State College tiểu bang Pennsylvania. Chị chủ nhà ra đón tận sân bay rồi chở về nhà, cũng ấm lòng và yên tâm hơn.
2. Chợp mắt được 3 tiếng thì bật dậy, đợi trời sáng chút thì bắt đầu ra nhìn vườn cây sau nhà, toàn bộ ngôi nhà và con đường trước nhà. Ở đây mọi thứ thật thanh bình: cây cỏ thân quen như Đà Lạt với cẩm tú cầu khoe sắc, các con đường lên và xuống dốc; chim chóc, thỏ sóc, đom đóm…nhởn nhơ trong vườn. Nhà nào cũng hàng rào đơn sơ, màu sắc nhã nhặn, cao lắm là 2 tầng.
3. Ngày đầu buổi sáng đi siêu thị Weis. Có bán gạo nhưng mà là gạo Thái, chưa thấy gạo Việt quê mình. Nhưng có thấy thanh long hình như của Việt Nam. Rau củ quả thật là đắt. Ôi, ăn chay bên này sẽ tốn kém hơn ăn mặn rồi. Vào siêu thị chút là hai vợ chồng lạnh cóng vì điều hòa lẫn vì giá (ở Việt Nam vô siêu thị mình có bao giờ phải quan tâm giá đâu chứ, híc híc).
4. Ngày đầu buổi chiều, hai vợ chồng quyết đi Walmart, cách đó 3.3 miles (hơn 5 km), vừa đi vừa tìm đường, trời thì lúc mưa lúc nắng. Rồi cũng đến nơi, cũng chọn được đồ cần mua. Thấy mấy chiếc xe đạp đẹp quá, chọn lấy 2 chiếc, mỗi chiếc 87$, là rẻ nhất rồi. Đợi mưa nhẹ hạt rồi đạp về luôn. Đó thực sự là một cuộc hành trình (adventure) và có vợ bên cạnh luôn giúp mình vững vàng hơn.
5. Ngày thứ hai buổi sáng tìm đường đến trường. Đợi xe bus lâu nên đi bộ cho khỏe. Tin vào Google Map cũng được nhưng theo vợ thì nên tìm đường chính mà đi cho dễ nhớ. Vậy là đi lên đi về hai lần cho thuộc đường. Về đến nhà mệt quá ngủ thiếp đi (overslept). Chiều tối chị chủ nhà đi ăn trực (ăn ké) ở nhà thờ gần đó. Ở đây họ phục vụ bữa ăn miễn phí cho mọi người, nhất là những người già và nghèo khó. Có lẽ sau này vợ chồng mình sẽ xin tham gia rửa chén, dọn bàn ở đó, chứ không chỉ là đến ăn. Chập tối thì đi leo núi (hiking) với chị chủ nhà. Ở đây 7-8 giờ tối trời còn sáng trưng như 4 giờ chiều ở Việt Nam. Gặp chú rắn đen bò ngang đường mòn, chị chủ nhà bảo: vậy chúng ta hãy nói chuyện với con rắn nhé: “rắn ơi, nếu muốn bò vào thì bò vào đi, còn không thì chúng tôi đi vòng qua bạn nhé”. Rắn trườn nhẹ vào và chúng tôi nhẹ nhàng lướt qua, thật là đáng nhớ. Mình cũng tranh thủ chỉ cho chị chủ nhà bài tập vẫy tay rất giản đơn và hiệu quả để duy trì sức khỏe.
6. Ngày thứ ba đi bộ lên thăm trường, có hẹn với Giáo sư Settgast để tư vấn về việc chọn môn học (thực ra vợ chồng mình đã chọn hồi ở Việt Nam rồi). Giáo sư hiền lành dẫn đi coi thư viện, ở đó có những bàn học riêng và cả phòng học nhóm. Phòng học rộng và các buổi học được camera quay lại (trừ khi giáo sư giảng dạy không muốn), sinh viên muốn coi lại bài giảng cũng có thể coi được. Ở phòng tòa án giả định, thầy đã giải thích rằng cụm từ “pass the bar” không phải là thi đậu kỳ thi luật sư (bar examination) mà là chỉ có thể là luật sư mới có thể đi qua thanh chắn gỗ nhỏ (bar) trong phòng xử.
7. Điều làm mình nhớ nhất có lẽ là bức hình ông Lewis Kartz, người có công xúc tiến và tài trợ thành lập trường Penn State Law. Tên ông được đặt cho tòa nhà chính của trường. Mỗi ngày ông đều sống theo lời nói của HLV bóng rổ John Wooden: “You can’t live a perfect day unless you do something for someone who will never be able to repay you” (Bạn không thể sống một ngày trọn vẹn tuyệt vời nếu như bạn chưa làm điều gì đó giúp một ai đó người mà có thể sẽ không bao giờ có cơ hội trả ơn bạn).
8. Gần trường có một vườn hoa gọi là The Arboretum (giống như vườn sinh vật học trong các trường). Đủ loại hoa, lá xào xạc, chim líu lo. Có cả đồng hồ mặt trời (chỉ giờ theo bóng mặt trời). Ở đây trời nắng chang chang các bạn tây cứ đi phây phây, hình như chỉ có vợ chồng mình che ô (dù). Kệ, hơi quê nhưng mà không phải sợ đen da (sunburn), chỉ là sợ bị cảm nắng (sun stroke).