Mười một năm đi làm vợ chồng mới có khoảng hai tuần thảnh thơi từ lúc nghỉ việc để chuẩn bị sang Mỹ học. Suốt thời gian qua hai vợ chồng chỉ có làm việc và làm việc. Lâu lâu mới đi đâu đó với công ty một lần. Hiếm hoi lắm mới có chuyến xuống Vũng Tàu thăm cậu bạn thân. Còn lại chưa bao giờ vợ chồng đi du lịch với nhau (nhưng mà cuối tuần có chút thời gian đi bộ thăm nơi này nơi kia ở trung tâm Sài Gòn, khi là công viên, lúc là bờ sông…đối với vợ chồng mình cũng là “đi du lich” rồi).
Khoảng thời gian hiếm hoi này vợ chồng mình dành để thăm hai quê, quê chồng Hà Tĩnh, quê vợ Bến Tre. Về miền Tây lúc nào cũng mát mẻ, cả ngoài mặt (vì nhiều sông nước, lắm cây xanh) lẫn trong lòng (vì cái chân chất, đầy nghĩa tình của con người nơi đây). Sau mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người thân, người quen nhà vợ lòng mình lại dào dạt niềm vui, chan chứa hi vọng, đong dầy tình thương.
Chú Mười
Nghe mẹ vợ kể ngày ấy khi vợ còn là sinh viên chú thím cho cha mẹ vay tiền để lo cho vợ ăn học. Mà cái cách cho vay của chú thím cũng lạ kì: tháng nào tháng nấy cứ đều đặn đến ngày là chú thím đưa lên tận nhà cha mẹ vợ chứ không đợi cha mẹ phải mở lời nhắc hay xuống nhà chú thím để nhận tiền. Vợ nói ơn nghĩa ấy của chú thím trọn đời này vợ không thể nào quên.
Mợ ăn chay trường cũng được năm năm rồi. Mợ kể hôm bữa chú thích nuôi chim, mợ nói với chú: “Ừ, ông cứ nuôi đi, kiếp sau ông cũng cảnh cá chậu chim lồng vậy đó”. Chú sợ quá nên thôi 😀
Dì Lan
Vợ chồng Dì Lan là bạn cha mẹ vợ. Vợ chồng dì đang thời gian khó khăn về tài chính vậy mà không vay mượn cha mẹ một đồng, chơi với cha mẹ không chút tính toan, cha mẹ cần giúp gì là vợ chồng dì giúp hết sức. Lúc vợ chồng mình nói lời tạm biệt, đôi mắt bên đục bên mờ của chú lại rưng rưng.
Thím Sáu
Vợ chồng Chú thím Sáu không có con ruột. Khi gia đình người anh trai của chú đổ vỡ, chú thím đón hai đứa nhỏ về nuôi, chăm cho từng miếng ăn giấc ngủ, lo cho đầy đủ học hành. Giờ đứa cháu tay ẵm bồng hai đứa con mới hiểu ngày xưa thím cũng vì thương cháu mà mới mắng, mới la. Thím còn có đứa con nuôi vốn là con của người thân của thím, thím nuôi từ ngày còn nằm ngửa giờ đã là sinh viên đại học, , gọi thím là mẹ gọi chú là cha. Mình luôn nghĩ: vợ chồng không nhất thiết phải có con ruột, cứ thương con người ta như chính con mình thì cũng sẽ có được hạnh phúc của người làm mẹ, làm cha.
Mợ Tư
Mợ Tư năm nay sáu mươi mấy rồi, mà nhìn mợ như bốn mươi. Mấy năm nay mợ đạp xe thể thao rèn sức khỏe. Mà có đợt mợ bỏ thể dục, rồi ốm nặng, nằm quặn đau trên giường mợ lại sợ lỡ thân mình gặp cơn tai biết, méo miệng, đãng trí, nằm liệt một chỗ thì ra sao. Nghĩ vậy, rùng mình, mợ quyết tâm tập thể dục lại. Vậy là mỗi ngày 4 giờ sáng là mợ đi bơi. Mợ thích cái cảm giác thả mình trong nước mát. Mà nhờ đó mà cái bệnh thoái hóa đốt sống cổ, gai xương bàn chân, đau vay gáy…của mợ đỡ hẳn mà không tốn một viên thuốc nào.
Chú Út
Từ lúc hai cháu ngồi xuống nhà là tay Thím Út cứ gọt lia gọt lịa nào là măng cụt ngọt lịm, xoài thơm, nước dừa mát lạnh…Rồi mắt thím cay cay khi thím kể về tháng ngày vợ chồng vất vả, anh em cùng cha cùng mẹ mà đối xử bạc bẽo với nhau, thím khóc tức tưởi. Nhưng lòng hai đứa cháu rất đỗi vui mừng khi biết thím ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Lâu lâu thím lại phát bánh mì chay cho người nghèo khổ. Có cô gái kia thuê phòng trọ nhà thím, mới sinh con mà thím thấy ngày nào cũng ăn mì gói. Thấy thương, thím cầm 700 ngàn tiền thuê phòng cô gái kia mới trả mua hết nào đường, nước mắm, thịt cá…thím cho. Được mấy hôm thương bé con, thím lại mua bỉm, mua sữa. Con lại kể chú thím nghe về “tài sản không bao giờ mất” (tất cả loại tài nào trên thế gian này đều sẽ tiêu tan vì 5 lý do: bị lửa đốt cháy, bị nước cuốn trôi, bị trộm cướp, bị chính quyền tịch thu, bị con cái bất hiếu tiêu phá; đố bạn “tài sản” nào sẽ mãi còn với ta?).
Dì Năm
Qua nhà Dì Năm chơi thì chỉ có cười mỏi cả miệng. Bát đậu phụ kho với mướp đắng (khổ qua) của dì giúp con ăn sạch cả nồi cơm. Nước dừa thì dì đã pha sẵn, ly cà phê đen con muốn uống thì dì làm.
Nghe dượng kể mới thấy thương hơn những người gọi là Việt Kiều, bên Mỹ thì cày ngày cày đêm, kiếm tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt, chỉ có bà con bên Việt Nam được tiêu tiền kiều hối thì sướng rơn, chắc cũng nhiều người nghĩ ở bển ra vườn hái tiền mọc trên cây!
Dì Ba
Dì Ba là chị ruột của mẹ vợ. Năm nay dì cũng lớn tuổi rồi. Chiều 6 giờ dì đi ngủ để 12 giờ đêm là thức dậy nấu xôi, rồi bán bánh mì từ sáng tinh mơ cho đến tận trưa. Thức khuya, dâỵ sớm, cắc củm kiếm từng đồng tiền lẻ, vậy mà dì sẵn sàng bỏ hàng trăm ngàn mỗi tháng ra lo phụ tiền thuốc men cho đứa em trai đau ốm.
Chị Hai
Lúc đến chơi thì anh chị đang ăn dở tô mì gói, uống dở ly rượu nho tự pha. Anh chị kể đợt trước bỏ mấy chục triệu đầu tư cái xe đẩy nho nhỏ bán cháo lòng, tiếc là chọn vị trí không ngon, lại không dài vốn nên phải bỏ dở. Anh vẫn cười hiền: “Thôi, thua keo này ta bày keo khác”. Vợ chồng em nhìn anh chị chung sức, đồng lòng gánh gồng vậy mà mừng bởi vợ chồng em cũng có quen vài người có tiền muôn bạc vạn mà cả nhà sum vầy ăn với nhau bữa cơm cũng khó, đêm nằm trên giường cao, nệm ấm mà nước mắt người vợ vẫn ướt đẫm gối chăn vì chồng có cái tật ngoại tình khó bỏ.
Vợ em có biếu chị tờ 500 trăm coi như góp thêm chút vốn cho “dự án” đánh hàng rau quả Đà Lạt về bán mà anh chị ấp ủ, em thì vét sạch ví đưa chị 502 ngàn để mua sữa cho cháu nhỏ. Chị nói: “tiền cho cháu chị sẽ tiêu, riêng tờ 500 trăm kia chị sẽ giữ mãi để lấy hên”. Nghe mà thương thắt lòng.
“Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp lại không
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau.”