Đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (tháng 12/2014)
Điều 60 của Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) quy định về nghị quyết của hội đồng thành viên (HĐTV) công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên. Khoản 3 của điều luật này nói rằng: trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của HĐTV được thông qua tại cuộc họp nếu được số phiếu đại diện ít nhất 65% hoặc 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành tùy tầm quan trọng của vấn đề đem ra biểu quyết.Trong phạm vi nào thì điều lệ công ty có thể “quy định khác”? Hiện có ít nhất bốn cách hiểu về vấn đề này:
Cách hiểu nào đúng với ý của nhà làm luật? Câu trả lời chắc phải chờ “hồi sau sẽ rõ”, bằng nghị định của Chính phủ, bằng công văn của bộ, bằng bản án của tòa… |
Cách thứ nhất: “Quy định khác” là từ 65%/75% trở lên vì đó là mức tối thiểu luật định. Nếu hiểu như vậy Luật Doanh nghiệp mới không khác gì quy định tương ứng của luật cũ. Vậy tại sao nhà làm luật không dùng câu chữ như luật cũ, tức là sau khi quy định tỷ lệ 65%/75% thì thêm vào câu “tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”? Tại sao chỉ có điều 60.3 mới dùng kiểu “trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác” còn điều 59 (tỷ lệ cần thiết để cuộc họp diễn ra), điều 60.5 (tỷ lệ để lấy ý kiến bằng văn bản), điều 141 (tỷ lệ để họp đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần), và điều 144 (tỷ lệ để thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần) không dùng câu chữ ấy? Quan trọng hơn nếu cách hiểu này là đúng thì nhà làm luật sẽ khó mà giải thích được lý do sao lại có sự phân biệt đối xử giữa công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần (CTCP) bởi vì CTCP có thể thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông về nhiều vấn đề chỉ với 51% số phiếu biểu quyết tán thành. Cách hiểu này, do đó, không có tính thuyết phục.
Cách thứ hai: “Quy định khác” là dưới 65%/75% và không hạn chế mức tối thiểu (ví dụ 10% chẳng hạn). Vậy thì khi biểu quyết, số phiếu đồng ý thông qua một vấn đề là 10%, số phiếu không đồng ý là 90%, ai là bên thắng, 90% hay 10%? Ý kiến không đồng ý hay ý kiến đồng ý sẽ được thông qua? Quan trọng hơn, vấn đề này phải cân nhắc đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài (giờ gọi là “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”) để xác định công ty này có bị Luật Đầu tư 2014 đối xử như nhà đầu tư nước ngoài hay không. Cụ thể, điều 23 của luật này quy định đại ý rằng một công ty trong đó có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trực tiếp (hoặc gián tiếp) từ 51% vốn điều lệ trở lên thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, khi góp vốn, mua cổ phần, khi tham gia hợp đồng BCC. Như vậy, nếu hiểu theo cách này, chẳng lẽ nhà làm chính sách đồng ý rằng cho dù nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu 10% vốn điều lệ thôi là có thể thông qua các quyết định và từ đó chi phối công ty trong khi công ty này vẫn được đối xử ưu ái như nhà đầu tư trong nước? Cách hiểu này vì vậy là bất hợp lý.
Cách thứ ba: “Quy định khác” là dưới 65%/75% nhưng ít nhất phải trên 50% (ví dụ 50,01%) để đảm bảo nguyên tắc “đa số thắng thiểu số”. Nhưng vậy tại sao CTCP phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu từ 51% trở lên? Quan trọng hơn câu hỏi trên đây cũng được lặp lại: chẳng lẽ nhà làm luật chấp nhận rằng nhà đầu tư nước ngoài nắm chưa tới 51% vốn điều lệ công ty là có thể chi phối công ty trong khi công ty đó vẫn được đối xử như nhà đầu tư trong nước? Chắc đây không phải là điều mà Quốc hội muốn vì dù trong dù đục, “nước trong” vẫn nên được ưu ái hơn “nước ngoài”!
Cách thứ tư: “Quy định khác” là dưới 65%/75% nhưng ít nhất phải từ 51% trở lên. Đến đây thì mọi chuyện có vẻ ổn: phù hợp với tỷ lệ của công ty cổ phần, nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” cũng được thỏa mãn nhất quán với cách đối xử với nhà đầu tư nước ngoài của Luật Đầu tư 2014. Do vậy cách hiểu này nên được ủng hộ.
Liệu có còn cách hiểu nào khác?
LS Trương Hữu Ngữ