Đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Tháng 6/2015)
Theo điều 4.18 Nghị định 45/2011/NĐ-CP của Chính phủ, một trong những trường hợp được không phải chịu lệ phí trước bạ đó là khi tổ chức thay tên đổi họ sau khi đã nộp lệ phí trước bạ cho tài sản của mình. Còn điều Điều 1.2 Thông tư 34/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định: “Đổi tên đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản thì chủ tài sản phải nộp lệ phí trước bạ”. Vậy như thế nào sẽ được xem là “đổi tên đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản” thì thông tư này không đề cập.
Vế đầu của của quy định này rất dễ hiểu: “đổi tên” là khi Công ty Mít đổi thành Công ty Xoài thì bao nhiêu sổ đỏ, cà vẹt xe của Mít phải đổi sang tên Xoài nhưng Mít (bây giờ là Xoài) không phải nộp lệ phí trước bạ. Quy định như vậy là hợp lý vì “việc thay đổi tên của doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp” (Nghị định 43/2010/NĐ-CP). Nói một cách dân dã hơn: dù tên Xoài hay tên Mít thì “tôi vẫn là tôi”. Tuy nhiên vế sau “đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản” thực sự rất khó hiểu.
Tiền thân của Thông tư 34 là Thông tư 68/2010/TT-BTC, trước đó nữa là Thông tư 95/2005/TT-BTC và xa xưa hơn là Thông tư 28/2000/TT-BTC có đưa ra vài ví dụ cho trường hợp “đổi tên đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản”: khi thay sáng lập viên cũ bằng sáng lập viên mới, hay khi chuyển đổi từ công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên.
Nay Thông tư 34 không đưa ra ví dụ nào nữa nhưng trên thực tế cơ quan thuế vẫn lần mò lại thông tư cũ khi hướng dẫn quy định mù mờ nói trên. Ví dụ như mới đây vào ngày 16/4/2015 Tổng Cục Thuế ban hành Công văn 1462/TCT-CS hướng dẫn CTCP Đầu tư và Du lịch Dầu khí Nghệ An về nghĩa vụ thuế trước bạ của công ty này. Cụ thể, sau khi nhắc lại quy định của Thông tư 34 và viện dẫn Luật Doanh nghiệp để giải thích rằng cổ đông chính là chủ sở hữu của công ty, Tổng Cục Thuế cho rằng vì các cổ đông sáng lập của CTCP Hoàng Mai Ngọc chuyển nhượng cổ phần cho hai công ty khác và CTCP Hoàng Mai Ngọc đổi tên thành CTCP Đầu tư và Du lịch Dầu khí Nghệ An thì đây chính là trường hợp “đổi tên đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản” và do đó CTCP Đầu tư và Du lịch Dầu khí Nghệ An phải chịu lệ phí trước bạ khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản của mình.
Như vậy hóa ra theo Tổng Cục thuế, “đổi chủ sở hữu tài sản” ở đây chính là có sự thay đổi về chủ sở hữu (tức là cổ đông hoặc thành viên) của công ty có tài sản là đối tượng chịu thuế trước bạ. Và nếu như công ty này “đồng thời” đổi tên từ Mít sang Xoài thì phải chịu lệ phí trước bạ khi đăng ký lại cà vẹt xe hay giấy tờ nhà đất.
Ngược dòng thời gian, trong nhiều công văn từ năm 2008 đến nay, Tổng Cục thuế còn coi một số trường hợp khác cũng là “đổi tên đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản” như: đổi chủ sở duy nhất của một công ty từ nhà đầu tư cũ sang nhà đầu tư mới và đổi tên (Công văn 5803/TCT-CS ngày 24/12/2014); đổi tên từ năm 2008, đến năm 2013 thay đổi cổ đông sáng lập (Công văn 2547/TCT-CS ngày 8/8/2013); vừa đổi tên vừa giảm cổ đông sáng lập từ 13 xuống 10 (Công văn 4043/TCT-CS ngày 14/11/2012); chuyển từ công ty TNHH với hai thành viên thành công ty cổ phần với sáu thành viên (Công văn 2209/TCT-CS ngày 28/6/2011); công ty TNHH nhận thêm thành viên rồi chuyển đổi thành công ty cổ phần (Công văn 3720/TCT-CS ngày 24/9/2010 và Công văn 1829/TCT-CS ngày 28/5/2012); chuyển từ công ty TNHH một thành viên sang công ty TNHH hai thành viên (Công văn 1330/TCT-CS ngày 13/4/2009); chuyển từ công ty liên doanh sang công ty 100% vốn nước ngoài và đổi tên (Công văn 4796/TCT-CS ngày 12/12/2008). Những cái tên quen thuộc như Vận tải Phương Trang, Tập đoàn Trung Thủy, Cho thuê tài chính VILC…là “khổ chủ” của các công văn này.
Như vậy quy định không rõ ràng ở thông tư của Bộ Tài chính đã cho phép Tổng Cục thuế rộng đường giải thích và đi xa hơn nhiều các ví dụ mà Bộ Tài chính đã đưa ra. Những cách giải thích đó của Tổng Cục thuế có nhiều điểm không hợp lý:
Thứ nhất, lệ phí trước bạ đánh lên sở hữu của công ty đối với tài sản của mình. Còn các cổ đông/thành viên sở hữu cổ phần/phần vốn góp trong công ty chứ không trực tiếp sở hữu tài sản của công ty. Bộ luật Dân sự định rõ công ty có tư cách pháp nhân có tài sản độc lập với chính chủ sở hữu của mình. Cho nên dù chủ sở hữu của công ty có thay đổi thì công ty vẫn còn đó, nắm giữ tài sản của của chính mình, không có sự dịch chuyển về quyền sở hữu đối với tài sản của công ty, sao lại bắt công ty đóng thuế?
Thứ hai, dựa vào đâu để Tổng Cục thuế cho rằng chủ sở hữu của một công ty đã thay đổi? Sẽ rất dễ dàng để xác định trong trường hợp một mình ông Cam thành lập công ty Mít rồi chuyển toàn bộ vốn của mình trong công ty này cho bà Bưởi. Tuy nhiên sẽ ra sao nếu công ty Mít có nhiều cổ đông nhưng chỉ có một hoặc một vài cổ đông chuyển một phần cổ phần của mình cho người khác? Công ty đang có hai thành viên, nhận thêm một thành viên mới chỉ góp thêm 10% vốn, sao gọi đó là thay đổi chủ sở hữu của công ty cho được? Dường như đối với Tổng Cục thuế hễ có bất kỳ sự thêm bớt nào về số lượng cổ đông/thành viên công ty thì đó chính là “đổi chủ sở hữu tài sản”.
Thứ ba, tại sao Tổng Cục thuế chỉ chú trọng vào cổ đông sáng lập? Khái niệm cổ đông sáng lập tồn tại trong Luật Doanh nghiệp. Nhưng sau ba năm đầu tiên kể từ ngày công ty được thành lập, khái niệm này không còn ý nghĩa khi các đặc quyền và hạn chế luật định đối với cổ đông sáng lập sẽ không còn áp dụng. Với lại, sẽ rất vô lý nếu như một cổ đông sáng lập nắm 5% vốn, chuyển nhượng cổ phần của mình thì được coi là “đổi chủ sở hữu tài sản”, còn một cổ đông thường nắm tới 90% cổ phần bán vốn thì không phải là “đổi chủ sở hữu tài sản”.
Thứ tư, theo Tổng Cục thuế các trường hợp chuyển đổi loại hình công ty gắn với việc thêm bớt cổ đông/thành viên đều là “đổi chủ sở hữu tài sản”. Trong khi theo Luật Doanh nghiệp, công ty chuyển đổi (ví dụ một công ty TNHH chuyển thành CTCP và ngược lại) sẽ kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp công ty được chuyển đổi. Quyền và lợi ích hợp pháp đó đương nhiên bao gồm cả quyền sở hữu tài sản.
Bộ Tài chính vốn được giao nhiệm vụ hướng dẫn nghị định của Chính phủ về lệ phí trước bạ. Nhưng thay vì làm rõ hơn hay cụ thể hơn các quy định của nghị định, Bộ Tài chính lại ban hành một quy định tối nghĩa, bất hợp lý và vênh hẳn so với nghị định như đã nói ở trên. Chính điều này tạo cơ hội cho Tổng Cục thuế mặc sức diễn giải theo hướng an toàn cho mình (theo kiểu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”), chỉ có doanh nghiệp là phải ngầm ngùi nộp lệ phí trước bạ.
Tổng Cục thuế phải ra công văn hướng dẫn cũng tức là đã có nhiều doanh nghiệp không “tâm phục khẩu phục” với cơ quan thuế địa phương và cầu cạnh Tổng Cục thuế. Nhưng đến tầm Tổng Cục thuế thì có vẻ như họ đành nghẹn ngào mà chấp nhận vì dù sao đây cũng là “anh cả” của ngành thuế trong khi thông tư của Bộ Tài chính thì mập mờ, chắp vá.
Có lẽ trong thời gian tới doanh nghiệp nên lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn (ví dụ đưa ra kiến nghị tập thể thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) thay vì “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho qua chuyện.
LS Trương Hữu Ngữ