Đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (tháng 1/2015) và sau đó Báo Chính phủ đăng lại.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới nhìn chung nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng. Tinh thần đổi mới, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự do thỏa thuận thể hiện rõ trong hai bộ luật này. Luật đã có, chỉ đợi ngày hiệu lực, vấn đề còn lại là người áp dụng luật vì luật chỉ là giấy, đưa luật vào cuộc sống là con người. Ở đây xin đề cập đến thái độ, tư duy cần có của ba đối tượng luật tác động: cán bộ, công chức nhà nước, thẩm phán tòa án và doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức nhà nước: tôn trọng luật
Đọc kỹ hai luật này sẽ thấy tinh thần cải cách hành chính của nhà làm luật thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục; minh bạch hóa tài liệu, giấy tờ cần thiết; rút ngắn và định rõ thời hạn xử lý hồ sơ. Việc còn lại là cán bộ, công chức trực tiếp thụ lý thủ tục mẫn cán và trách nhiệm đến đâu: tuân thủ luật hay lại lợi dụng kẽ hở của luật để làm khó doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức quản lý doanh nghiệp, đầu tư cần nhận thức tinh thần đổi mới của người làm luật: tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, làm ăn; chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; điều kiện kinh doanh phải minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư, không được tự ý đặt thêm. Do đó cần phải bỏ thói quen giải thích luật tùy nghi, đòi hỏi điều kiện, giấy tờ tùy hứng, áp dụng tùy tiện.
Thẩm phán tòa án: coi trọng nội dung, xem nhẹ hình thức
Luật mới đã bỏ đi nghĩa vụ phải kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà luật cũ áp đặt, cho nên tòa án phải biết rằng cái cớ để tuyên hợp đồng vô hiệu do doanh nghiệp thực hiện công việc ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh đã đăng ký cũng không còn nữa. Kinh doanh là sáng tạo, cơ hội đến rồi đi, nghĩa vụ đăng ký (bây giờ là thông báo) ngành nghề chỉ là nghĩa vụ hành chính, vi phạm thì phạt hành chính, sao lại để thủ tục hành chính tạo cơ hội cho sự bội ước? Thẩm phán tuyên vô hiệu chỉ vài dòng chữ nhưng xử lý hậu quả “khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” thì “trần ai khoai củ” vô cùng mà chỉ có đương sự mới thấm thía được.
Luật Doanh nghiệp mới cũng tôn trọng hơn tính tự quản của doanh nghiệp. Ví dụ luật quy định rằng cổ phần được coi là đã bán khi thông tin về người mua được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty. Cho nên, tòa không thể dựa vào lý do các bên và công ty chưa thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan (ví dụ như đăng ký cổ đông nước ngoài) mà tuyên giao dịch mua bán cổ phần vô hiệu. Trước đây, đã có lần tòa tuyên một giao dịch mua bán cổ phần vô hiệu chỉ vì công ty “quên” không thông báo người mua cổ phần là cổ đông lớn của công ty.
Luật pháp có đổi mới đến đâu mà người áp dụng luật còn mang tư duy cũ kỹ thì tất cả trở nên uổng phí. Vì vậy mới nói sửa luật phải thay luôn thái độ và đổi cả tư duy. |
Đã đến lúc các thẩm phán thay đổi tư duy xem nặng vấn đề hình thức, thủ tục mà thay vào đó là đề cao ý chí, thỏa thuận của các bên trong giao dịch. Thay vì chỉ chăm chăm tuyên vô hiệu vì những lý do về mặt hình thức, thẩm phán nên chú trọng hơn vào tính hợp pháp của nội dung thỏa thuận. Và cũng đã đến lúc thẩm phán phải làm quen và sẵn sàng với những giao dịch nghe lạ tai nhưng bắt đầu phổ biến trong thực tiễn kinh doanh sinh động, chẳng hạn như “thỏa thuận cổ đông” (shareholders’ agreement).
Doanh nghiệp: tận dụng luật
Ở đây chữ tận dụng nên được hiểu là vận dụng luật, làm lợi cho mình. Luật pháp đổi mới, tôn trọng hơn quyền tự định đoạt của doanh nghiệp thì không có lý do gì doanh nghiệp lại thờ ơ với cơ hội này. Tính sơ sơ, Luật Doanh nghiệp mới có vài chục lần cho phép “trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, nhiều hơn so với luật cũ. Có nghĩa là thêm nhiều lần luật cho phép doanh nghiệp tự quyết định công việc nội bộ của mình, từ việc xác định số lượng người đại diện theo pháp luật, quản lý và sử dụng con dấu, tỷ lệ phiếu cần thiết để thông qua nghị quyết của hội đồng quản trị, có bầu dồn phiếu hay không, có lập ban kiểm soát và lập ban kiểm toán nội bộ…
Luật Doanh nghiệp mới đang dần trở thành gợi ý cơ bản cho việc tổ chức và điều hành công ty, chứ không còn chứa đựng các quy định cứng nhắc, gò bó, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty (corporate governance) hiện đại. Các doanh nghiệp cần quan tâm, chăm chút hơn cho bản điều lệ doanh nghiệp thay vì sử dụng những biểu mẫu đơn giản, chung chung chỉ nhằm đăng ký kinh doanh cho xong chuyện.
Nhà nước bớt can thiệp hơn vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng là lúc doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình hơn: phải tìm hiểu kỹ hơn để biết ai là người đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng của đối tác; mẫu dấu đối tác sử dụng có đúng với mẫu đã đăng ký; đối tác có đang trong quá trình giải thể, phá sản; nội dung điều lệ hay báo cáo tài chính của đối tác như thế nào… Những điều này doanh nghiệp có thể tìm kiếm dễ dàng từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia hay trang web của đối tác nhờ những quy định yêu cầu minh bạch hóa thông tin của Luật Doanh nghiệp mới.
Luật Doanh nghiệp mới cũng yêu cầu vốn điều lệ phải góp đủ trong thời hạn 90 ngày, ngắn hơn rất nhiều so với trước. Nhưng như thế không có nghĩa doanh nghiệp có lý do để tin vào con số vốn điều lệ tròn trĩnh đã đăng ký. Là vì vốn sẽ không nằm im trên giấy, người ta dùng vốn mà bán mà buôn, vốn sẽ chuyển hóa thành đất đai, nhà xưởng, nhãn hiệu… hoặc chỉ còn là nợ. Với lại, bạn nghĩ Nguyễn Hà Đông cần bao nhiêu vốn điều lệ hay chỉ cần cái máy tính xách tay để công ty của cậu ấy tạo nên sản phẩm triệu đô như Flappy Bird? Cho nên, cách tư duy kiểu như dựa vào vốn điều lệ để đánh giá năng lực tham gia đấu thầu, thực hiện hợp đồng cần phải được thay đổi.
Luật mới bảo vệ cổ đông mạnh mẽ hơn bằng việc cho phép cổ đông tiến hành vụ kiện phái sinh (nhân danh công ty để khởi kiện giám đốc công ty), kiểm soát chặt chẽ hơn các giao dịch với bên có liên quan (như hợp đồng giữa công ty với cổ đông nắm 10% cổ phần), đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về việc người quản lý công khai thông tin về lợi ích có liên quan (ví dụ về công ty khác mà mình có cổ phần)… Tất cả để người ta yên tâm mà bỏ vốn. Người bỏ vốn vì thế cũng nên biết về các quyền của mình, về nghĩa vụ của người quản lý (directors’ duties) để dựa vào, để đòi hỏi khi cần thiết.